Feb 5, 2012

NGHỆ THUẬT KIỂM SOÁT CẢM XÚC

Chắc đã không ít lần bạn ân hận khi thốt ra những lời khó nghe trong cơn giận dữ. Thật vậy, phát ngôn những từ ngữ chứa đựng sự hận thù và căm ghét đối với một ai đó có thể là nguyên nhân làm phá hủy hoàn toàn mối quan hệ giữa bạn và họ.
stressed-woman-holding-head
Chính vì thế, tốt nhất là bạn nên học cách điều khiển cảm xúc của chính mình để tránh những tình huống phải điên tiết lên rồi sau đó cảm thấy ân hận vì những hành vi không đúng đắn. Hãy ghi nhớ những điều sau đây nhé!

1. Phát hiện ra cảm giác của mình trong tình huống đặc biệt

    Bằng cách đặt cảm xúc phù hợp với những trường hợp đặc trưng, bạn sẽ có thể hiểu hơn trạng thái tinh thần của chính mình và biết rõ những điều khiến bạn vui sướng, buồn bã, lo âu hay giận dữ. Từ đó cho phép bạn có thể đối mặt với những xúc cảm hiệu quả hơn.

    2. Đừng cố dồn nén hoặc cứ khăng khăng giữ cảm xúc bên trong

      Những nỗi sợ hãi có nguy cơ làm bạn xúc động quá mức, hoặc khiến bạn làm tổn thương cảm xúc hay cái tôi của một ai khác. Đây có thể là lý do để bạn cố gắng kiềm chế cảm xúc. Thế nhưng cũng có những thời điểm bạn cần thể hiện cảm xúc của mình và đừng để nó bị dồn nén lại trong lòng (dẫu biết rằng nó vẫn nằm dưới sự kiểm soát hợp lý). Điều tồi tệ nhất là bạn có thể kìm nén hết mọi cảm xúc của mình nhưng sau đó bị nổ tung một khi không thể tiếp tục nữa.

      3. Phân tích phản ứng của bạn đối với những sự việc tình cờ xảy đến

        Bạn có từng hét lớn vào mặt ai đó khi họ đột nhiên băng qua đường lúc bạn đang cua xe qua ngã rẽ? Bạn đã khi nào phớt lờ cô bé hàng xóm khi cô bé cố bắt chuyện với bạn bằng cái giọng the thé: “Con chào chú Ba, chú có khỏe không……?”. Bây giờ, hãy suy nghĩ về những hướng giải quyết khác nếu bạn ở vào các tình huống tương tự, và đâu sẽ là kết quả có thể xảy ra cho mỗi trường hợp. Bằng cách này, bạn có thể tự dựng lại những kịch bản nho nhỏ trong suy nghĩ của mình cứ như thể nó đang được cài sẵn trong các thẻ nhớ nhỏ. Nếu áp dụng như hướng dẫn, bạn đã trang bị thêm cho mình một phương pháp khách quan để điều khiển cảm xúc riêng trong những điều kiện nhất định.

        4. Tưởng tượng ra những tình huống cụ thể

          Sau khi đánh giá và phân tích những cảm xúc của riêng của mình, bây giờ bạn có thể tưởng tượng ra những tình huống như thể bạn nên làm chủ cảm xúc thế nào trong lần kế tiếp, khi buộc phải đối mặt với những điều bất ngờ tương tự như hôm nay . Như thế, bạn có thể quyết định những phản ứng nào sẽ thu về kết quả tích cực và cách nào có thể mang lại những hệ quả tiêu cực.

          5. Thay đổi thái độ của bản thân

            Hãy hiểu rằng bạn có thể chẳng bao giờ thay đổi được cảm nhận về một số điều nào đó trừ phi bạn thay đổi thái độ và niềm tin vào cuộc sống này. Cảm xúc riêng tư đôi lúc có thể phá hủy những cơ hội quan trọng trong cuộc đời. Hãy xem trường hợp sau đây là một ví dụ điển hình: kể từ khi bạn nhận thấy cấp trên của mình đang thiên vị một ai đó trong nhóm đồng nghiệp, bạn quyết định bắt đầu chiến tranh lạnh với sếp và nhân viên được sếp yêu thích. Bây giờ, bởi vì bạn đang chôn giấu những bực tức hướng về 2 nhân vật này nên trong bạn xuất hiện những thái độ tiêu cực gây ảnh hưởng đến công việc. Những biểu hiện của bạn trở nên rất tệ, vì vậy những đánh giá của sếp dành cho bạn tuột dốc xuống dưới mức trung bình. Nói một cách ngắn gọn, bạn tự đánh mất cơ hội chứng tỏ năng lực bản thân trong đợt thăng chức sắp tới cho nhân viên của công ty. Vậy đấy, hãy suy nghĩ thật kỹ cách ứng xử của mình.
            Thỉnh thoảng, chúng ta trở nên hết sức vô lý khi buộc phải đối diện với quá nhiều tiêu cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, con người ta được đòi hỏi cần phải có lý trí, chính vì thế nên việc học hỏi cách điều tiết những cảm xúc riêng tư và làm sao không để nó điều khiển cuộc sống chúng ta cần được xem như là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người. Có thể sẽ mất khá nhiều thời gian nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc bạn sống chung với những cảm xúc và hành động nông nỗi của mình phải không? Hãy cố gắng lên, bạn sẽ không phải thấy hối tiếc đâu.

            Thiên Ngữ
            Theo: Howtodothings

            0 comments:

            Post a Comment